Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Sơn La giai đoạn hiện nay

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh phát triển thành phần kinh tế trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều thay đổi và bước tiến quan trọng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ đổi mới, trong đó phát triển thành phần kinh tế tập thể trở thành một trong những bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX). Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La trong thời gian qua luôn quan tâm, chú trọng tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn được thành lập đảm bảo cả về số lượng và chất lượng hoạt động, không ngừng đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, sản xuất kinh doanh đúng mặt hàng đã đăng ký, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của người nông dân.

Thông qua việc triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản áp dụng các quy trình sản xuất như ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, sử dụng giống cây trồng nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi,... Đến nay, nông nghiệp của địa phương đã có bước phát triển tích cực, cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực được đầu tư chiều sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; chăn nuôi được phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhiều diện tích cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt 78.850 ha, đạt 98% kế hoạch, tăng 13% so với năm; tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 136.083 ha; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 73.596 tấn, tăng 4% so với năm 2019,...

Với những kết quả khả quan đó, có thể nhận thấy bên cạnh sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, không thể không có sự đầu tư, nỗ lực, cố gắng và đóng góp không nhỏ của các HTX và hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh hiện có 614 HTX nông nghiệp, trong đó: 301 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt; 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp; 64 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; 165 HTX hoạt động lĩnh vực tổng hợp… So với thời điểm 31/12/2017 tăng 280 HTX. Số thành viên hợp tác xã tại thời điểm hiện nay đạt trên 7.790, số lao động làm việc trong khu vực HTX ước tính trên 8.400 người. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả ước tính đạt khoảng 33% trên tổng số HTX nông nghiệp. Có 191 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, công nghệ bảo quản sản phẩm, có 28 Hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP,...

Qua việc đánh giá và nắm bắt, doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn tỉnh đều tăng qua hàng năm, đây là một trong những nền tảng quan trọng để các HTX không ngừng cải tiến kỹ thuật, học tập và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông sản của mình cũng như đẩy mạnh chiến lược kinh doanh để tìm kiếm nguồn lợi đầu ra, đảm bảo bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết với bên ngoài thị trường, tính đến năm 2020, có khoảng 169 HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong hình thành, phát triển và duy trì 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình tổ chức triển khai, nhiều hợp tác xã được thực hiện đánh giá xếp loại hoạt động hiệu quả, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp hằng năm do Tỉnh ủy Sơn La tổ chức được công nhận, đề xuất khen thưởng: Năm 2019 có 68 HTX nông nghiệp được biểu dương trong đó có 42 HTX trồng trọt, 12 HTX chăn nuôi, 14 HTX nuôi trồng thủy sản; Năm 2020, có 62 HTX nông nghiệp được biểu dương, trong đó có 49 HTX trồng trọt, 7 HTX chăn nuôi và 6 HTX nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, chính quyền các cấp của tỉnh luôn quan tâm tới việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX và thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX theo các chường trình, chính sách của tỉnh đã ban hành, cụ thể như: đã tổ chức được 49 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, với 2.684 lượt người tham gia, tổng kinh phí 6.273,588 triệu đồng và 05 lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật và thành viên HTX nông nghiệp với 184 lượt người tham gia; triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2021, đã hỗ trợ được 90 hợp tác xã với tổng số tiền: 7.958,6 triệu đồng; chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ theo Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 của UBND tỉnh, đã triển khai thực hiện thí điểm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố cho khoảng hơn 83 HTX; Chính sách hỗ trợ đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm quả để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho 3 hợp tác xã được hỗ trợ theo quy định với tổng số tiền là 1.500 triệu đồng,...

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đánh giá tích cực, việc phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, một số HTX vẫn chưa thoát khỏi tình trạng năng lực quản lý của Bộ máy quản lý HTX còn hạn chế, vẫn có một số HTX ngừng hoạt động và giải thể bắt buộc. Hầu hết Ban quản lý HTX chưa qua đào tạo nên việc lập hồ sơ sổ sách còn lúng túng; một số xã viên, HTX trình độ chuyên môn còn hạn chế, đa phần học hết phổ thông; việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Cán bộ làm công tác phát triển kinh tế tập thể, nhất là từ cấp huyện đến cơ sở chưa có biên chế chuyên trách mà làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thời gian đầu tư cho công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX chưa thường xuyên. Tiêu chí trang trại đánh giá hàng năm dựa trên doanh thu và số lượng do đó các trang trại không làm thủ tục cấp chứng nhận khó khăn trong công tác quản lý. Sản phẩm của một số hợp tác xã chất lượng chưa cao, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, việc nắm bắt thị trường còn yếu dẫn đến đầu ra chưa ổn định. Nguồn vốn để hoạt động kinh doanh còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ còn ở mức thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục hành chính để các Hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo, nhất là phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu, nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế, HTX nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao trong một số khâu của sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản là 325 HTX, và 605 HTX vào năm 2030 theo định hướng của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục khẳng định về vị trí, vai trò của kinh tế HTX nói riêng, phát triển kinh tế doanh nghiệp, nhóm hộ, kinh tế trang trại, hộ gia đình nông nghiệp nói chung trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sức bật cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, theo đó có thể thực hiện trên một số nội dung định hướng như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hợp tác xã, các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả. Vận dụng sáng tạo và sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tạo ra sự đồng thuận ủng hộ của toàn xã hội đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX. Từ đó làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có vai trò, vị trí quan trọng đối với phát triển của kinh tế tập thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, phát triển quy mô, đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với tổ chức kinh tế tập thể, phát huy vai trò kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất. Tập trung hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm rau, quả, thịt an toàn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…) tại các Hợp tác xã và trang trại.

Thứ ba, chuyển đổi ngành nghề các HTX hoạt động yếu kém sang ngành nghề kinh doanh khác có hiệu quả, phấn đấu tất cả cán bộ quản lý HTX được bồi dưỡng kiến thức quản lý thông qua việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX và tổ hợp tác để từ đó có những giải pháp khắc phục khó khăn, tạo điều hiện cho các HTX và Tổ hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên sâu về hội nhập trong quá trình xây dựng hợp tác xã, đảm bảo xây dựng hợp tác xã theo chuỗi giá trị bền vững; quan tâm, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ công tác tuyên truyền về HTX, hỗ trợ về khoa học công nghệ, nguồn lực tài chính, con người... theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành cho các HTX trong thời gian tiếp tiếp theo.

Trên cơ sở những nội dung mang tính định hướng, cùng với những nhiệm vụ, giải pháp mang tính trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và tiếng nói, hành động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta có quyền hy vọng vào sự đóng góp nhất định của kinh tế nông nghiệp nói chung, sự phát triển của mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, phấn đấu đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, hướng tới “xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững” trong giai đoạn mới./.

Tác giả: Chẩu Đình Dương-Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1