Sơn La: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La đã và đang dành sự quan tâm, coi trọng đến việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo đánh giá về hoạt động kinh tế của tỉnh: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng mạnh, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, ước đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 2.716 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với năm 2015; 640 hợp tác xã và 7 liên hiệp hợp tác xã (tăng 448 hợp tác xã, 7 Liên hiệp hợp tác xã so với năm 2015).…[1] từ những kết quả đó, cho thấy một trong những minh chứng sống động và đóng góp không hề nhỏ của nguồn nhân lực của địa phương đang hoạt động, lao động, sản xuất rất đa dạng trong các ngành nghề, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua tỉnh Sơn La đã vận dụng, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, tài chính,…để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ quản trị kinh doanh nghiệp, lao động có tay nghề và đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ,…theo hướng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở 03 yếu tố cơ bản: sức khỏe – kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức – cơ cấu lao động, tạo bước chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Ước thực hiện  đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 55% (tăng 19 điểm phần trăm so với năm 2015), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 20% . [2] Vấn đề nhận diện ở đây đó chính là công tác quy hoạch, mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo và việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, đồng thời các cơ sở đào tạo, nhất là hệ thống các cở sở đào tạo Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã từng bước chuyển đổi hình thức cho phù hợp, chú trọng hướng đến tính thực hành, thực tập cho người học; đa dạng các hình thức học tập dành cho nhiều đối tượng khác nhau theo nhu cầu như liên kết đào tạo, đào tại từ xa, vừa làm vừa học.

Bên cạnh đó, với mục tiêu lấy yếu tố con người là đồng lực của sự phát triển, tỉnh đã dành sự quan tâm, có chính sách thu hút nguồn nhân lực và đội ngũ trí thức về công tác tại địa phương, từng bước chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương đã được nâng lên rõ rệt cả về chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý điều hành, thực thi công vụ, phù hợp yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, chức danh nghề nghiệp, theo đó, tỷ lệ cán bộ, công chức các cấp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định đạt 90%, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trình độ từ trung cấp trở lên đạt 97% [3]; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ toàn tỉnh có 2.103 người, tăng 602 người so với năm 2015…đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra hàng năm, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng, thực hiện việc chuyển giao công nghệ - khoa học kỹ thuật cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, năm 2020, các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở 56 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, mở 153 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ - khoa học kỹ thuật[4] cho người lao động góp phần nâng cao tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo, hoàn thành các tiêu chí của Chường trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm  trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế nhất định: Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, chất lượng lao động thấp; cơ cấu ngành nghề chưa thực sự hợp lý, tác động đến khả năng tìm kiếm việc làm và cạnh tranh, năng suất của lao động. Mạng lưới cơ sở đào tạo phát triển về quy mô, số lượng song khả năng thu hút người lao động tham gia đào tạo còn hạn chế; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhịp độ phát triển và yêu cầu của các ngành, các lĩnh vực; đội ngũ giáo viên, giảng viên ở một số cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ;…

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, cá nhân tác giả xin được đề xuất như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng,  năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đối với việc phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ có tính chiến lược trước mắt và lâu dài trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục và đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện trung hạn và dài hạn trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung, có chính sách hợp lý về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức và người lao động phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực bằng việc huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các nguồn lực khác... để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực, thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, các cơ sở y tế chuyên sâu...

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới./.


[1] Theo đánh giá tại Báo cáo chính trị số 799-BC/TU ngày 08/9/2020  của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tr4, Tr8.

[2] Theo đánh giá tại Báo cáo chính trị số 799-BC/TU ngày 08/9/2020  của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tr3.

[3] Theo đánh giá tại Báo cáo số 56-BC/TU ngày 22/2/2021 của BTV tỉnh ủy Sơn La về KQ 01 năm thực hiện KH số 163-KH/TU ngày 04/10/2019 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện KL số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư.

[4] Theo đánh giá tại Báo cáo số 53-BC/TU ngày 22/2/2021 của BTV tỉnh ủy Sơn La về KQ 01 năm thực hiện KH số 164-KH/TU ngày 04/10/2019 của BTV tỉnh ủy về thực hiện KL số 51-KL/TU ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện NQ Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tr7.

Tác giả: Chẩu Đình Dương-Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1