Cây cổ thụ giữa đại ngàn
Lượt xem: 398
Cả cuộc đời gắn bó với núi rừng biên giới ở bản Huổi Phúc, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, già làng Thào A Cha được người dân trong bản ví như cây cổ thụ giữa đại ngàn bởi đức độ, uy tín và những việc ông làm cho dân, cho quê hương. Giờ đã 64 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn làm những việc có ý nghĩa cho bản làng, ông là một điển hình tiêu biểu suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Thào A Cha -Bản Huổi Phúc xã Mường Lèo đang chăm sóc Trâu

 

Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi đầu bản, cũng là khi một ngày mới bắt đầu với già làng Thào A Cha. Từ sáng sớm đến mờ tối, lúc nào ông cũng bận rộn, luôn chân, luôn tay với đàn gia súc hàng trăm con. Sinh ra ở bản vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, nơi mà bà con dân bản bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, ông trăn trở và quyết tâm tìm hướng thoát nghèo. Ông nghĩ, Bác Hồ đã dạy: "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc từ dễ đến khó. Ban đầu là tận dụng lợi thế tại địa phương về đất đai, có bãi chăn thả và đồng cỏ rộng rãi, phù hợp cho việc chăn nuôi, ông đã tập trung vào việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc.

           

Ông Thào A Cha -Bản Huổi Phúc xã Mường Lèo - Sốp Cộp - Sơn La: Từ năm 1992, 1993 gia đình rất khổ và khó khă, chỉ đi xin sắn của người ta về để ăn. Bây giờ mình cũng phải cố gắng phấn đấu, bằng sức khỏe của bản thân mình thì mới có tiền, ai không ra sức thì không kiếm được đồng tiền. Đồng tiền kiếm được là rất khó, vì vậy ai cũng phải cố gắng, phấn đấu.

           

Không cam chịu đói nghèo, vượt qua được rào cản trong tư tưởng về những hủ tục lạc hậu và luôn khát vọng vươn lên. Năm 2004, già làng Thào A Cha đã làm đơn xin chính quyền địa phương mượn vùng đất trống để chăn nuôi Trâu, bò. Ông đã không quản ngại khó khăn, đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, khe núi cuối cùng cũng đã tìm được vùng đất theo ý mình. Ban đầu chỉ với 6 con trâu, bò của cha ông để lại, ông đã tập trung vào phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến năm 2012, đàn trâu, bò đã lên đến 60 con, lúc đó thiếu kiến thức về chăn nuôi, nên cứ vào mùa đông thường xảy ra rét đậm, rét hại, dịch bệnh lở mồm long móng làm chết 15 con bê, nghé thiệt hại lớn tài sản của gia đình. Sau lần đấy ông đã đi tìm hiểu ở nhiều nơi về kỹ thuật chăn nuôi và thường xuyên tiêm phòng định kỳ cho trâu, bò.

         

Theo chân già làng Thào A Cha đến khu chăn nuôi của gia đình, chứng kiến đàn gia súc con nào cũng to béo với trên 100 con có giá trị trên cả tỷ đồng, chúng tôi vô cùng khâm phục sự nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng của ông. Nếu so với các hộ gia đình kinh doanh, buôn bán ở thành thị mang giá trị hàng chục tỷ đồng thì chẳng đáng là bao. Nhưng đối với người dân vùng cao biên giới đầy khó khăn, khắc nghiệt đây chính là sự phấn đấu không biết mệt mỏi để có được thành quả như ngày hôm nay.

         

Anh Thào Pó Chua - Bản Huổi Phúc xã Mường Lèo - Sốp Cộp - Sơn La: Trước kia gia đình tôi cũng còn khó khăn nhiều, có gia đình ông Thào A Cha giúp đỡ cho con gà, con vịt, con lợn để nuôi làm kinh tế và phấn đấu làm   theo ông. Bây giờ mới có gà, có lợn để làm giống, có nhà để ở. Tôi sẽ phấn đấu làm theo ông Thào A Cha để hướng dẫn cho con cháu của mình học.

         

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển chăn nuôi, năm 2017 gia đình ông đã tự ươm trồng gần 400 gốc cây Sơn Tra và tuyên truyền tới người dân trong bản cùng với ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây Sơn Tra vào trồng tại địa phương. Hiện nay, đã có 21/21 hộ dân trong bản học tập làm theo chuyển đổi 2 ha diện tích trồng cây hoa màu cho năng xuất thấp, sang trồng 1000 cây Sơn Tra.

           

Ông Thào A Cha -Bản Huổi Phúc xã Mường Lèo - Sốp Cộp - Sơn La: Sau này nương cũng sẽ không làm nhiều nữa, chỉ làm ít thôi, sẽ chuyển sang trồng cây ăn quả. Bây giờ gia đình mới trồng cây Sơn Tra, riêng đất ở đây chỉ hợp với trồng cây Sơn Tra. Vì mùa đông thường rất lạnh nên Cây Sơn Tra sẽ không chết được. Mọi người dân, nếu ai chịu khó thì sẽ làm được, chỉ có ai không chịu khó thì sẽ không trồng được.

 

Điều ông trăn trở là trước đây, bản thân không được học hành, không biết chữ, dù gia đình khó khăn đến đâu, gia đình cũng cố gắng cho con cháu ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện nay, một người con của ông đã tốt nghiệp Đại học Luật, 4 người con đã tốt nghiệp các trường THPT trong huyện, một người đang theo học trường Chuyên nghiệp tại Sơn La, gia đình ông được công nhận gia đình hiếu học, gia đình văn hóa 3 năm liền.

           

Ông Thào A Cha -Bản Huổi Phúc xã Mường Lèo - Sốp Cộp - Sơn La: Mình phải làm gương cho người dân trong bản, để mọi người ai nhìn vào học tập và làm theo. Bây giờ ai cũng phải đi học, không được bỏ học. Riêng bản Huổi Phúc chúng tôi, mặc dù không được nhiều người đi học như bản vùng thấp.  So với bản vùng cao đối với xã Mường Lèo thì cũng có nhiều người đi học nhiều rồi.

         

Chính Già làng Thào A Cha là người đã góp phần rất quan trọng trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, ông đã rất thành công trong việc tuyên truyền cỗ vũ bà con nhân dân đoàn kết xây dựng, đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trọng tâm là vận động nhân dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mạnh dạn vay vốn Ngân hành chính sách để phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ về tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ông đã vận động nhân dân trong bản tự giác giao nộp trên 15 khẩu sung tự chế các loại… nhân dân trong bản đoàn kết tích cực tham gia bảo vệ đường biên mốc giới quốc gia…

           

Ông Thào A Tu - Trưởng bản Huổi Phúc xã Mường Lèo - Sốp Cộp Sơn La: Đối với ông Thào A Cha là người có uy tín của bản Huổi Phúc được sự nhất trí của bà con trong bản. Bản thân ông đã tích cực tuyên truyền bà con bảo vệ rừng, không cho cháy rừng, không di dịch cư tự do để ổn định sản xuất.

         

Từ những đóng góp của già làng Thào A Cha với bà con dân bản Huổi Phúc xã Mường Lèo được huyện Sốp Cộp chọn làm mô hình "Điểm sáng an ninh biên giới. Ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2015 ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2015.

         

Nhận xét về Ông Thào A ChaĐồng chí: Lò Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo - Sốp Cộp - Sơn La: Đối với ông Thào A Cha là già làng, người có uy tín của bản Huổi Phúc, ông là tấm gương sáng trong mọi phong trào, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản bảo vệ đường biên, mốc giới, ông cũng đã đi đầu trong công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ, phát triển kinh tế trang trại. Đặc biệt là trong việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thì ông đã tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ. Để nhân rộng đến các chi bộ, bản ở các bản biên giới để bà con lấy tấm gương và lấy mô hình của bản Huổi Phúc nói chung và ông Thào A Cha nói riêng để nhân rông đến các bản trên địa bàn xã.

         

Bằng sự kiên trì, dám đổi mới, ông Thào A Cha đã đánh thức được tiềm năng của vùng đất quê hương, khẳng định được vị trí bản thân đối với cộng đồng dân cư. Nhưng điều ông vui mừng phấn khởi nhất là người Mông đã biết cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình./.

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập