GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TẠI TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ HUYỆN
Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, học tập lý luận chính trị không những giúp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên; từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Mặt khác, việc học tập và nghiên cứu lý luận chính trị nhằm cung cấp cho người học thế giới quan và phương pháp luận cách mạng và khoa học, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc, để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Vì vậy, để việc học tập lý luận chính trị đạt hiệu quả cao, cần nhìn nhận đúng vai trò và vị trí của người giảng viên lý luận – người dẫn dắt, định hướng trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị. Những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đặc thù của giảng viên lý luận chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, nhận xét cán bộ giảng dạy lý luận chính trị. Đồng thời, là yêu cầu cấp bách đặt ra của thực tiễn hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập với nhiều thời cơ và thách thức mới đan xen như hiện nay.
Đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng trong việc giảng dạy trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.
Trong thời gian qua cùng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị không ngừng được cải thiện. Trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ… của giảng viên lý luận chính trị không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay còn không ít bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ này:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho đội ngũ giảng viên Trung tâm Chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh yêu cầu bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ,công chức, viên chức vì “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức, thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo đức nhân dân”. Vì vậy, Là người giảng dạy lý luận chính trị, nên hơn ai hết, đội ngũ giảng viên của Trung tâm cần phải giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có lập trường quan điểm vững vàng, kiên định trước những diễn biễn phức tạp của tình hình trong nước và thế giới; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tích cực đấu tranh chống các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sáng, lành mạnh, có lòng nhân ái, gần gũi với học viên, được học viên quý mến, kính trọng.
Thực hiện giải pháp này nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ học tập nghị quyết của Đảng, các chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; duy trì thành nền nếp sinh hoạt, thực hiện nghiêm túc chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình. Đây là môi trường rất quan trọng để giáo dục, rèn luyện đội ngũ giảng viên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình để sớm phát hiện những biểu hiện lệch lạc, kịp thời uốn nắn, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm để tự điều chỉnh bản thân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, vi phạm về phát ngôn, kỷ luật Đảng.
Thứ hai, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Đối với giảng viên, cần nhận thức rõ NCKH sẽ góp phần làm cho những nội dung giảng dạy thêm phong phú, sâu sắc, thuyết phục hơn, vì vậy, cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động quan trọng này.
Ban Giám đốc phải quan tâm, sâu sát, chỉ đạo kỳ quyết hoạt động NCKH. Xem kết quả NCKH là một trong những tiêu chí để xếp loại viên chức cuối năm, cũng là một trong những tiêu chí để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời đối với những giảng viên, viên chức có thành tích cao trong hoạt động NCKH. Ngoài ra Ban Giám đốc cần nghiên cứu đưa ra quy chế hỗ trợ kinh phí cho giảng viên thực hiện hoạt động NCKH.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn. Muốn vậy, đội ngũ giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia các đề tài khoa học cấp huyện, cấp tỉnh; tham gia tổng kết những vấn đề quan trọng, từ đó đề xuất với huyện, tỉnh ban hành những chính sách thiết thực.
Thứ ba, đề cao tinh thần tự học, tự rèn luyện của đội ngũ giảng viên
Mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc sự cần thiết của việc tự học tập, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực công tác; từ đó, có động cơ, thái độ tự học tập, bồi dưỡng đúng đắn; không tự bằng lòng với kiến thức đã có, ra sức học tập và rèn luyện; quán triệt và nắm vững những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, trách nhiệm nêu gương của người giảng viên.
Giảng viên cần xác định nội dung việc tự học tập, bồi dưỡng là nhằm nâng cao năng lực, trình độ của bản thân và rèn luyện chính trị, tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Bởi đó là cơ sở, điều kiện để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là yêu cầu khách quan, là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm và là tiêu chuẩn quan trọng của người giảng viên lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện có kết quả với giải pháp này ngay từ đầu năm học, bản thân mỗi giảng viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học. Trong kế hoạch này cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian tự học, tự bồi dưỡng. Khi xây dựng kế hoạch giảng viên phải thể hiện rõ những nét phẩm chất, nhân cách, đạo đức nghề nghiệp cần hoàn thiện. Những kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp dạy học, …cần bổ sung. Để xây dựng một kế hoạch khoa học, giảng viên cần dựa trên kế hoạch của Trung tâm.
Từ đó giảng viên lựa chọn, thống kê các phần công việc cần làm, những yêu cầu cụ thể cần đạt được, mốc thời gian và mức độ hoàn thành phú hợp với điều kiện và năng lực bản thân. Sau khi lập được kế hoạch mỗi giảng viên phải có quyết tâm, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần chủ động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Để quá trình tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả người giảng viên phải biết lựa chọn các hình thức bồi dưỡng phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Hình thức tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động cá nhân giảng dạy, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu công văn, chỉ thị, thông tư... Hình thức tự học, tự bồi dưỡng qua các hoạt động tập thể như tham gia các hoạt động dự giờ, qua các hoạt động chính trị, xã hội.
Trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng mỗi giảng viên tự kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Hoạt động này giúp giảng viên nhìn nhận lại những việc đã làm và chưa làm được trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu bồi dưỡng.
Thứ tư, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giảng viên
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất thiết phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với họ. Các chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên được thực hiện theo quy định gồm chi trả lương; các khoản ưu đãi giảng viên lý luận chính trị: 45% phụ cấp giảng dạy, thâm niên nghề nghiệp. Ngoài ra, cần hỗ trợ kinh phí cho giảng viên ốm đau, thai sản; xét nâng lương trước thời hạn; thường xuyên quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giảng viên để họ an tâm công tác. Ngoài ra, cần làm tốt công tác khen thưởng giảng viên hàng năm. Qua đó, động viên, khích lệ giảng viên phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với vị trí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, giảng viên là những người đem đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt kiến tạo nên tạo giá trị, uy tín và thương hiệu của một Trung tâm chính trị. Do đó, muốn đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống của nhân dân cần phải có đội ngũ giảng viên có đức, có tài, tuyệt đối trung thành với Đảng, có năng lực giảng dạy.