Huyện Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định 148-NĐ/CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ. Được tách ra từ huyện Sông Mã, Sốp Cộp có diện tích tự nhiên 146.841 ha, gồm 8 xã, trong đó có 4 xã biên giới với 120km đường biên giới quốc gia, có độ cao trung bình so với mặt biển 700m, cao nhất là đỉnh Pu Sam Sẩu 1.925m.
Sốp Cộp là mảnh đất có bề dày văn hóa và giầu truyền thống cách mạng. Dưới thời Pháp thuộc, vùng đất Sốp Cộp là một Tổng thuộc Mường Thanh, Điện Biên. Tổng Sốp Cộp gồm 8 Mường, trong đó Mường Sốp Cộp lớn nhất gồm 5 Lộng: Lộng Sốp Cộp (xã Sốp Cộp và Nậm Mằn ngày nay); Lộng Dồm (xã Dồm Cang ngày nay); Lộng Phải, Lộng Cọ, Lộng Bánh (xã Púng Bánh ngày nay). Thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị hà khắc ở đây, nhân dân trong vùng sống trong cảnh tối tăm, khổ cực.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác vùng sau lưng địch, ngày 28 tháng 2 năm 1948, Tổng chỉ huy Quân đội Việt Nam ra lệnh cho cho Liên Khu 10 khẩn trương thành lập Ban xung phong Tây Bắc. Ngày 24 tháng 11 năm 1948, đội quân quyết thắng lên đường tiến quân vào vào Khu A gây dựng cơ cở theo hướng lên Điện Biên Phủ, các cơ sở cách mạng trong nhân dân được gây dựng. Đồng chí Vi Văn Ký (Sùng Thếnh) cùng 3 đồng chí người Kinh lấy tên của dân tộc H’Mông là Vạ Đông, Vạ Thếnh, Dua Páo đến bản Chu Vai (thuộc xã Nậm Mằn ngày nay) cắt máu gà ăn thề, kết nghĩa làm anh em, sau đó xây dựng Chu Vai thành cơ sở cách mạng đầu tiên ở Vùng Sốp Cộp. Đến tháng 1 năm 1952 đã phát triển thêm 7 cơ sở ở bản: Phá Thóng (Púng Bánh), Phá Thóng Nọi, Phi Rôm Nọi, Phi Mã (Dồm Cang), Tà Lắc, Tà Lắc Nọi (Sốp Cộp). Ngày 14/10/1952 Chiến dịch Tây Bắc mở màn trước sự tấn công của đoàn quân cách mạng và tinh thần nổi dậy của nhân dân Sốp Cộp, đồn lính Pháp ở Sốp Cộp đã vội vã tháo chạy thoát thân, vùng Sốp Cộp được giải phóng. Ngày 30/11/1952 sau khi chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, đồng chí Lê Khánh được Ban cán sự Điện Biên cử đến Sốp Cốp Cộp thành lập ủy ban hành chính lâm thời xã Sốp Cộp.
Người Sốp Cộp luôn anh dũng kiên cường trong chiến đấu và tích cực lao động sản xuất. Trong chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dân Sốp Cộp vừa động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, vừa tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, giã gạo, đóng góp vật chất phục vụ co chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc thắng lợi có công sức không nhỏ của của người dân Sốp Cốp. Ngay sau hòa bình lập lại, người dân nơi đây lại vừa xây dựng cuộc sống mới vừa củng cố chính quyền, đập tan âm mưu phá hoại của bọn biệt kích gián điệp gây bạo loạn, phá rối trị an.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Mã nói chung, nhân dân Sốp Cộp nói riêng vừa xây dựng quê hương, vừa đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân vùng Sốp Cộp luôn vươn lên, đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xây dựng vùng biên giới vững mạnh về mọi măt.
Sốp Cộp là vùng đất có địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và vực sâu nên tạo ra khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây quần tụ sinh sống, đoàn kết của 5 dân tộc anh em (Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, Kinh) và một số dân tộc khác như dân tộc Tày, Mường. Tổng dân số năm 2018 là gần 49 ngàn người, trong đó dân tộc Thái 57%, dân tộc H’Mông 25%, dân tộc Khơ Mú 7%, dân tộc Lào 7%, Kinh 3,5%, dân tộc khác 3,5 %. Người Thái, người Lào sống ở vùng thấp, có phiêng bãi, có ruộng nước; người H’Mông, người Khơ Mú sống ở vùng cao, người lào Sống tập trung ở hai xã Mường Và, Mường Lạn.
Các dân tộc có tiếng nói riêng, ngoài chữ phổ thông, người Thái và người H’Mông có chữ viết riêng, người Thái có tác phẩm văn hóa thành văn, các dân tộc khác như H’Mông, Lào, Khơ Mú chỉ là truyền miệng. Từ xưa các dân tộc ở Sốp Cộp có tín ngưỡng thờ cúng: trời đất, tổ tiên. Việc thờ cúng trời, đất, tổ tiên được thể hiện bằng nhiều hình thức lễ hội phong phú, vào mùa xuân có cúng mường, cúng bản, ngày xưa thường tổ chức linh đình tới hai đến ba ngày, phí tổn dân đóng góp. Xên mường, xên bản như là một lễ tổng kết năm cũ, bước sang năm mới, cầu mong trời đất, tổ tiên cho mường, cho bản, nhưng thực chất là nhằm củng cố khối cộng đồng mường, bản.
Người Lào có lễ hội “cin khẩu hó” vào dịp tết Trung thu, cũng trong dịp này Người Khơ Mú có tết “củ củ phứa, củ măn” (phứa: củ khoai sọ, măn:củ mài) vào dịp thu hoạch xong nương dẫy. Đây là những hình thức mừng được mùa và cầu mong sự phù hộ của trời đất, tổ tiên để mùa sau được nhiều hơn.
Người H’Mông có tết cổ truyền, tổ chức trong 10 ngày từ 25/12 năm trước đến 5/1 năm sau (theo dương lịch), có phần tết thịt lợn, thịt gà, có bánh dày…trong dịp tết có tổ chức thăm hỏi và vui chơi, đánh quay, ném pa pao. Thực hiện cuộc vận động của Ủy ban dân tộc miền núi, một số bản của đồng bào dân tộc H’Mông tổ chức ăn tết cùng với tết nguyên đán.
Sốp Cộp còn là vùng đất phong phú về văn hóa. Ở xã Mường Và, có một Tháp cổ cao 15m, gồm 5 tầng với một nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh xảo, năm 1998, tháp Mường Và được Nhà nước công nhận “Di tích văn hóa”. Văn hóa vùng Sốp Cộp mang đậm nét văn hóa Điện Biên và văn hóa Lòa, đặc biệt ảnh hưởng khá rõ những sắc thái văn hóa và các phong tục tập quán của tầng lớp quý tộc Thái.
Huyện Sốp có 4 xã biên giới giáp 3 huyện: Mường Ét, Mường Son (tỉnh Hua Phăn), Phôn Thong (tỉnh Luông Pha Băng) nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 120km đường biên giới quốc gia. Tuyến biên giới này có nhiều đoạn hiểm trở, có ba con đường chính qua biên giới tại các xã Mường Lạn, Nậm Lạnh và Mường Lèo. Đồng bào hai bên biên giới từ xa xưa có quan hệ hữu nghị, thân thiện. Lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc càng làm cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa Sốp Cộp và huyện Mường Ét, Mường Son, Phôn Thong ngày thêm gắn bó và trở thành truyền thống quý báu qua suốt các thời kỳ cách mạng. Ngày nay truyền thống đó càng được củng cố vững chắc, xây dựng được chế độ giao ban định kỳ, gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng tuyến biên giới an toàn, hữu nghị và phát triển toàn diện.
Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán và tính cách riêng, nhưng đồng bào các dân tộc Sốp Cộp có chung đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, trung thực, chất phác, mến khách, rộng lượng và nhân ái; có truyền thống đấu tranh kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước. Quá trình đấu tranh thiên tai, chống áp bức, chống giặc ngoại xâm của nhân dân Sốp Cộp luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Sông Mã, Điện Biên, đặc biệt là nhân dân Lào anh em.
Sốp Cộp là vùng đất có khí hậu ôn hòa, đất đai có tầng canh tác dày, độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, rất phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng, nhất là cây lương thực, một số cây công nghiệp và cây ăn quả thuộc họ cây có mũi, nhiều vùng cỏ rộng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đàn gia súc ăn cỏ. Rừng Sốp Cộp có nhiều gỗ quý như: lát, dổi, thông, chò chỉ…; nhiều muông thú như: voi, hổ, hươu, nai, gấu, khỉ, vượn…;nhiều loại cây dược liệu quý như: đẳng sâm, sa nhân, hà thủ ô…Đặc biệt Sốp Cộp có khu rừng đặc dụng quốc gia Sốp Cộp ở vào địa phận các xã Sốp Cộp, Dồm Cang, và Púng Bánh và một số xã của huyện Sông Mã với diện tích 13.670ha, thuộc loại rừng á nhiệt đới, nhiều chỗ còn là rừng nguyên sinh. Cây cối có hơn 100 loài khác nhau, gỗ quý có lát, thông, dổi. Đáng chú ý ở đây còn nhiều động vật quý hiếm ở Việt Nam trong sách đỏ như: có khỉ mặt đỏ, voọc đen…
Trên địa bàn huyện có hơn 15 con suối lớn nhỏ, lưu lượng nước dồi dào, phân bố đều ở các vùng đất rất thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân, trong đó có 3 con suối lớn: Nậm Ban, Nậm Lạnh, Nậm Ca, bắt nguồn từ những cánh rừng đại ngàn đem nguồn nước mát tưới cho hành trăm ha ruộng đồng rồi hợp lại thành dòng suối lớn Nậm Công có lưu lượng nước rất lớn, đã và đang phục vụ cho xây dựng các công trình thủy điện.
Từ năm 1967, tuyến đường ô tô ra Sông Mã và ra tỉnh là đường 105 được xây dựng. Tuyến đường độc đạo, hiểm trở, đường hẹp, quanh co, khúc khuỷu, dốc cao, vực sâu, mùa mưa tắc nghẽn do sạt lở, nay đã được nâng cấp trải ngựa; các tuyến đường khác nối với các vùng miền được đầu tư xây dựng, tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi để phát triển.
Thực hiện công cuộc đổi mới, từ giữa thập niên 80, sản xuấ hàng hóa bắt đầu ddowcj hình thành và phát triển. Đặc biệt, từ khi huyện Sốp Cộp được thành lập, nhiều chương trình dự án đã và đang được triển khai để tăng cường cơ sở vật chất, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu kinh tế của huyện được chuyển dịch đúng hướng, phát huy được thế mạnh trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng. Vì thế, trong những năm qua, nền kinh tế của Sốp Cộp luôn có tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở vật chất kinh tế - xã hội và hạ tầng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng; trung tâm huyện lỵ, các khu đô thị mới được hình thành và sầm uất, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; sự nghiệp giáo dục, y tế không ngừng phát triển; văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; các bức xúc xã hội được đẩy lùi; an ninh, quốc phòng được giữ vững và ổn định; công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và nâng cao, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị gắn bó với nước bạn Lào anh em.
Sốp Cộp hôm nay đang vươn lên từng ngày, được triển khai thực hiện Đê án phát triển kinh tế - xã hội huyện Sốp Cộp đến năm 2015 và triển khai các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 3a của Chính phủ, đây chính là điều kiện để Sốp Cộp phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng huyện Sốp Cộp sớm trở thành một huyện vùng cao, biên giới có kinh tế - xã hội phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị vùng biên giới được củng cố và ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Sốp Cộp, vùng đất, con người giầu truyền thống cách mạng và giầu tiềm năng. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ, con người cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm kiên cường trong đấu tranh dành độc lập, tự do. Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhân dân các dân tộc Sốp Cộp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã bảo vệ vững chắc một vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt với nhân Lào anh em. Đảng bộ và nhân dân huyện Sốp Cộp đang ra sức, nỗ lực xây dựng Sốp Cộp từ một vùng đất hoang sơ thành một huyện ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Sốp Cộp hôm nay đang chuyển mình vượt qua khó khăn một cách tự tin, vững chắc để đánh thức mọi tiềm năng, thế mạnh xây dựng vùng biên cương ngày càng tỏa sáng.
                                                                     Lò Trung Thành
                                 Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Sốp Cộp

Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập