Thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ở địa phương

Cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp là tài liệu quý phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Sốp Cộp.

    Huyện Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ về việc thành lập huyện Sốp Cộp và điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 147.224,62 ha (Năm 2022), 54.181 người (6/2023). Đảng bộ huyện Sốp Cộp được thành lập ngày 26/12/2003 theo Quyết định số 638-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có 4014 đảng viên (tháng 12/2023). Chủ trương thành lập huyện Sốp Cộp xuất phát từ yêu cầu phát triển của một địa bàn vùng biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là kết quả đấu tranh lâu dài của Nhân dân các dân tộc vùng Sốp Cộp trong lịch sử; sự nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh ủy Sơn La về xây dựng huyện biên giới Sốp Cộp phát triển góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ổn định, an toàn an ninh biên giới của Tổ quốc.

    Trên mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa cách mạng, người Sốp Cộp cũng kiên cường trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhân dân các dân tộc Sốp Cộp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã bảo vệ vững chắc vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt với Nhân dân Lào anh em.

         Căn cứ Kết luận số 432-KL/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về chủ trương nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp (2003 – 2023), Ban Thường vụ huyện ủy Sốp Cộp ban hành Kế hoạch số 98-KH/HU ngày 24/02/2022 kế hoạch nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp 2003 – 2023; Quyết số 267-QĐ/HU, ngày 04/8/2022 của Ban Thường vụ huyện ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp (2003 – 2023) do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

          Trong quá trình triển khai, thực hiện, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp gặp rất nhiều khó khăn: Thời gian yêu cầu gấp; một số nhân chứng lịch sử tuổi cao, sức yếu hoặc đã mất; công tác lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng một số ấn phẩm Lịch sử Đảng bộ còn hạn chế, chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như các cấp ủy đảng địa phương.

Sau gần hai năm triển khai biên soạn, công trình đã được in ấn, xuất bản vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Sốp Cộp (2003 – 2023). Đây là công trình khoa học lớn nhất về lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp từ trước đến nay. Công trình lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp được biên soạn, xuất bản công phu, nghiêm túc, theo quy trình khoa học, nội dung phản ánh chân thực, khách quan lịch sử Đảng bộ địa phương. Trước khi xuất bản, đều được tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý thông qua hội thảo khoa học và được thẩm định theo đúng quy trình hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La.

anh tin bai


Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện được các cấp ủy đảng quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư đảm bảo về kinh phí để triển khai thực hiện. Hệ thống cơ quan tham mưu (trực tiếp là Ban Tuyên giáo huyện ủy Sốp Cộp) đã phát huy cao tinh thần chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn.

Đạt được thành quả đó là do có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các đồng chí trong tập thể Thường trực huyện ủy; sự quan tâm, đóng góp ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ; sự tham gia của Hội khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La và Phòng Lý luận chính trị Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La. Là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, khoa học của Ban Thường vụ huyện ủy Sốp Cộp, của Ban Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ.

Cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp là tài liệu quý phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Sốp Cộp.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ở địa phương tại Đảng bộ huyện Sốp Cộp, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

          Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng chỉ thị số 20-CT/TW  ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 02/10/2018 của Tỉnh ủy Sơn La đến các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị huyện, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trong thời kỳ đổi mới và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng.

          Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu lịch sử Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp phải quan tâm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác Lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đề cao vai trò của hệ thống tuyên giáo từ huyện đến cơ sở, chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

          Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, coi trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Đây là vấn đề then chốt có tính chất quyết định. Phải lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, có trình độ nghiệp vụ để đảm đương nhiệm vụ. Đồng thời phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu người cán bộ, đảng viên; động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cả tinh thần, vật chất và điều kiện làm việc.

          Bốn là, đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phù hợp với đặc điểm địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và trong tuyên truyền, giáo dục; tiến hành số hóa lịch sử Đảng để lưu trữ tư liệu lâu dài.

          Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định lịch sử Đảng bộ. Quy trình thẩm định phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn số 38-HD/BTGTU ngày 05/12/2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống bằng những hình thức phù hợp: Tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của huyện; thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương; xây dựng các bài viết, tham luận, bài báo, phim tài liệu có nội dung về lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương trong chương trình đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình; phát huy nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, tạo sức lan tỏa tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng.

 

Tác giả: Lê Phương - Ban Tuyên giáo huyện uỷ Sốp Cộp
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1