CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CỦA TỈNH SƠN LA - MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP TỔ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giảm nghèo bền vững là thực hiện và duy trì các biện pháp giảm nghèo, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có tư liệu và phương tiện sản xuất, dịch vụ, bảo đảm an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình, nâng cao thu nhập để tự vượt qua nghèo đói; tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nước sạch; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bão lụt và tác động tiêu cực của quá trình cải cách kinh tế, bảo đảm thoát nghèo bền vững hay không tái nghèo. Trên cơ sở định hướng của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, tỉnh Sơn La đã và đang ưu tiên quan tâm đầu tư thông qua nhiều chương trình, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong tiến trình hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, công tác này tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng quan tâm, chia sẻ, đầu tư và hỗ trợ lớn cho giảm nghèo. Bằng nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể, tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội và linh hoạt triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo tính thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững trên phạm vi cả nước và thống nhất đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể một số chương trình, chính sách đã được tỉnh Sơn La tập trung triển khai thực hiện: hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; phát triển giáo dục và đào tạo; hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý; hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin; tín dụng ưu đãi,…Theo đó, những chương trình, chính sách này đã có sự tác động không nhỏ, góp phần tạo ra sự thay đổi nhất định theo chiều hướng tích cực đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh trong từng giai đoạn, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo đó có thể nhận thấy một số kết quả khái quát:

Thứ nhất, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 (theo Quyết định 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005): Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 41% năm 2006 xuống còn 28,83% vào năm 2009, bình quân giảm 4,3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo giảm từ 46,84% năm 2008 xuống còn 40,59% năm 2009, giảm 6,25%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP đề ra (giảm 4,0%/năm).

Thứ hai, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015 (theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011): Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 31,91% năm 2011 xuống còn 21,47% năm 2015, bình quân giảm 2,61%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XIII. Tỷ lêo hộ nghèo bình quân các huyện nghèo giảm từ 43% năm 2011 xuống còn 24,85%, bình quân giảm 4,5%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP đề ra (giảm 4,0%/năm).

Thứ ba, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015): Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 31,91% năm 2016 xuống còn 18,38% năm 2020 (tính đến năm 2021 là 15,1%, giảm 3,28% so với năm 2020), bình quân giảm 3,2%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo giảm còn 23,4%, bình quân giảm 5,8%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nêu trên, công tác giảm nghèo bền vững của địa phương cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, từ thực tế tỉnh Sơn La vẫn là tỉnh trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước và là tỉnh có số hộ nghèo cao. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh vẫn còn 53.387 hộ nghèo (18,38%), 30.750 hộ cận nghèo (10,59%); tính đến thời điểm năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,83% (giảm 3,83% so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 3,81%, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 4,8%/năm. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn chưa được thu hẹp; Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các địa phương chưa thật đồng đều. Đồng thời, việc phát triển sản xuất, hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho người dân ở nhiều địa phương còn khó khăn, hiệu quả chưa cao; việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết phát triển sản xuất hàng hóa còn hạn chế, cơ cấu lao động, chuyển dịch chậm; việc huy động các nguồn lực trong nhân dân, cộng đồng còn hạn chế, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn,…

Những khó khăn nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ cả góc độ khách quan và chủ quan, trong đó tập trung chủ yếu như: khó khăn về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, trình độ dân trí và ảnh hưởng của văn hóa, phong tục tập quán; sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo còn hạn chế, vẫn còn thụ động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của của nhà nước; nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo mặc dù đã được Nhà nước ưu tiên nhưng thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Với việc xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, trên tinh thần Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ . Trên cơ sở đó, địa phương tập trung chủ yếu vào một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác  giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo  bền  vững  là  chủ trương  lớn,  nhất  quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên  lâu  dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo trong chương trình,  Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Thứ hai, không ngừng nâng cao năng  lực,  hiệu quả của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã  hội của Mặt trận tổ  quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo. Thường xuyên vận động hỗ trợ, phát động các  phong trào  thi đua nhằm huy động mọi nguồn  lực trong xã hội thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung về chương trình, chính  sách  giảm nghèo trong giai đoạn mới, về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã  hội về công tác giảm nghèo, phát huy tinh thần tương thân,  tương ái của dân tộc đối với người nghèo; khơi dậy ý chí, tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.

Thứ tư, xây dựng, cụ thể hoá kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn với các giải pháp thiết thực, phù hợp điều kiện địa phương nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ  bản của  người nghèo, hộ nghèo. Tập trung huy động nguồn lực, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế của tỉnh; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đối với hộ nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển, bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo theo quy định; Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu và tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu lao động ở những thị trường có thu nhập ổn định, đưa lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác trong nước; Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng chính sách tín dụng xã hội,  đặc biệt là các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, các  Tổ  tiết  kiệm  và vay vốn của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, duy trì tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến  bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ  trợ phát triển sản xuất, các biện pháp, giải pháp tổ chức  lại sản xuất,  gắn với xây  dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã  hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển  với vùng  khó  khăn. Nghiên cứu,  ban hành chính sách khuyến khích doanh  nghiệp, hợp tác xã  liên kết  trong  sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ  sản phẩm,  phát  triển  đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ  cận  nghèo,  hộ  mới thoát  nghèo. Có  chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào những địa bàn khó khăn, xã  nghèo,  huyện nghèo.

Thứ năm, tập trung nguồn lực thực hiện phát triển sản xuất, giáo  dục nghề nghiệp, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho  người nghèo; đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó  khăn  vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Thực hiện có hiệu quả cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức, cá nhân theo hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương; Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp  nghĩa,  Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, … Huy động đóng góp của người dân trong thực hiện phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô  hình giảm nghèo, đóng góp vật liệu, ngày công xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sinh kế nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia thực hiện Chương trình.

Thứ sáu, rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, các ngành đảm bảo năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện. Chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực về công tác tại địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn. Định hướng đào tạo cho sinh viên theo học các ngành nghề phù phợp tại các trường dân tộc nội trú; tạo việc làm, phát huy kiến thức đã học trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

Thứ bảy, thực hiện phân cấp về nguồn  lực cho các địa phương, cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; Xây dựng và quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về giảm nghèo; tăng cường cung cấp thông tin giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa nhằm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác rà soát hộ nghèo, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Ths. Chẩu Đình Dương- Trường Chính trị tỉnh Sơn La ​
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1