MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA TRONG THỰC TIỄN HIỆN NAY

Cùng với tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn thường xuyên chăm lo xây dựng và thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa theo định hướng mà Đảng đã khẳng định “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”[1].

Quán triệt nội dung của Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và các văn bản về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La đã xác định đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước cụ thể hoá phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm đưa chủ trương, đường  lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống thực sự có hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua quá trình tổ chức triển khai, có thể thấy nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc Sơn La trong việc phát  huy quyền làm chủ của nhân dân đã có chuyển biến tích cực, chỉ thị của Đảng và những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và QCDC ở cơ sở ở xã, phường, trấn nói riêng là nội dung hợp lòng dân, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng rộng rãi, quá trình tổ chức thực hiện có nhiều thuận lợi và đạt được những thành tích đáng phấn khởi. Pháp luật về thực hiện dân chủ thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng hoàn thiện, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị đã tập trung theo hướng: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.  Những kết quả đó được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Công tác triển khai và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn theo quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 đã và đang được triển khai sâu rộng, có nền nếp, đạt được hiệu quả, chất lượng; từng bước tao sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và thực hiệc dân chủ của người dân; góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Các xã, phường, thị trấn đã xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định trong đó nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện; hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước ở bản, tiểu khu, tổ dân phố đảm bảo tính công khai, minh bạch, có sự tham gia đông đảo ý kiến của người dân, nhất là các ý kiến trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, việc phát triển các ngành nghề cho lao động ở nông thôn; 100% bản, tiểu khu tổ dân phố bổ sung nội dung quy định thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì, thực hiện hương ước, quy ước; chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động và thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp đơn vị hành chính bản, tổ dân phố (toàn tỉnh đã kiện toàn sắp xếp từ 2.509 bản, tiểu khu, tổ dân phố xuống còn 2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố); công tác quản lý đất đai, các dự án, chương trình, dự án hoặc thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng,…Qua đó, cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo QCDC các cấp, nhất là cấp xã trên địa bàn tỉnh không ngừng được kiện toàn và nâng cao cả về số lượng và cơ cấu tổ chức, các Ban chỉ đạo đã chủ động phối hợp với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được thực hiện quyền giám sát các nội dung theo quy định với các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp: Thông qua các cuộc họp dân, trưởng bản, trưởng tiểu khu, tổ dân phố xin ý kiến nhân dân; thực hiện niêm yết tại nhà văn hóa bản, tiểu khu, tổ dân phố để người dân được tham gia, đóng góp ý kiến, chính quyền tiếp thu các ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã theo quy định; thực hiện các nội dung bàn và quyết định trực tiếp, các nội dung dân bàn và cấp có thẩm quyền quyết định. Các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân đã được tiếp thu và gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết; các xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp nhận giải quyết trả kết quả qua phần mềm một của hiện đại; Việc tiếp công dân và tiếp nhận, giải quyết đơn thư được đảm bảo tiến hành theo đúng quy định, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Thứ hai, về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Toàn tỉnh có 1.000 công đoàn cơ sở  cơ quan, đơn vị sự nghiệp, có 42.663 đoàn viên khối hành chính sự nghiệp; các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm việc thực hiện công tác dân chủ, dân vận trong cơ quan, đơn vị; đã phát huy trí tuệ tập thể và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia góp ý kiến trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; việc thực hiện chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng, nghỉ chế độ, nghỉ hưu.

Việc thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã được các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nghiêm túc triển khai ngày càng có hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong quá trình đó, các quan, đơn vị đã phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị công chức, viên chức và người lao động, đảm bảo các nội dung theo quy định; công chức, viên chức và người lao động được tham gia ý kiến vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản; quy chế văn hóa ứng xử nơi công sở; rà soát bổ sung quy chế làm việc, chương trình công tác, đối thoại với người lao động trong đơn vị; công khai, minh bạch về hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ; triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân.

Thứ ba, về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quán triệt đến người lao động nội dung Nghị định số  145/2020/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cụ thể hóa thành các nội dung của Nghị định và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù, tính chất thực hiện nhiệm vụ của mình. Các nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh, thu, chi tài chính, chế độ chính sách đối với người lao động như tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thu đua, khen thưởng,…đều được công khai, dân chủ và lấy ý kiến người lao động, người lao động được bàn, tham gia ý kiến, phát huy quyền làm chủ, khả năng lao động sáng tạo, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động về dân chủ ở cơ sở. Nhiều phản ánh, kiến nghị được người đứng đầu các doanh nghiệp tiếp thu, trả lời, góp phần tạo dựng niềm tin, đoàn kết nội bộ, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các loại hình doanh nghiệp về thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; kiểm tra việc thực hiện các nội dung liên quan nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và việc niêm yết công khai, minh bạch tại nơi làm việc các quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc hướng tới mục tiêu thực hiện QCDC gắn với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Ngoài ra, người sử dụng lao động các doanh nghiệp đã phối hợp với BCH công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định, tổ chức Hội nghị người lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể đảm bảo theo đúng quy định.

Nhìn nhận một cách toàn diện, việc thực hiện pháp luật về quy chế dân chủ ở tỉnh Sơn La trong khoảng thời gian qua đã có khá nhiều thành công, nhưng đồng thời cũng còn một số hạn chế, khó khăn nhất định:

Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện một số văn bản Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở một số đơn vị chưa được thường xuyên, việc thực hiện quy chế dân chủ có nơi, có việc còn hình thức; việc công khai chương trình, dự án, công trình ở một số địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, gây thắc mắc, bức xúc trong nhân dân, nhất là trong thực hiện chính sách đền bù, tái định cư, thu hồi đất,… Việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng, việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi chưa được cao.

Hai là, một số Ban chỉ đạo quy chế dân chủ cấp huyện, xã chưa kịp thời chỉnh sửa, bổ sung quy chế hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy vai trò trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ; việc kiện toàn và hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế.

Ba là, việc giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi sáp nhập các tổ, bản, tiểu khu còn gặp nhiều khó khăn (về quản lý, kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất, xây dựng nhà văn hóa, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở bản sau khi sáp nhập). Một số địa phương (cấp xã) vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm; cán bộ, công chức tiếp dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ,…. gây tác động, ảnh hưởng ít nhiều tới hiệu quả quản lý.

Những bất cập này đến có thể xuất phát từ các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan như trong công tác chỉ đạo, điều hành, vai trò của người đứng đầu, nhận thức của người dân, đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán địa phương, công tác kiểm tra, giám sát,…Vì vậy, để tiếp tục tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả và chất lượng về dân chủ ở cơ sở, gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt hiện nay gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới cần tập trung theo một số định hướng như sau:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý,điều hành của chính quyền, vai trò của các đoàn thể và của Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, các ngành trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; nhất là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở tại địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên  truyền, tập huấn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Gắn và chú trọng việc thực QCDC với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ công, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phục vụ nhân dân; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của đội ngũ cán bộ, công chức.

 Thứ ba, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong công tác cán bộ, việc đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền, giám đốc sở, ngành với nhân dân, làm tốt công tác tiếp công dân, quan tâm giải quyết những kiến nghị nguyện vọng hợp pháp của nhân dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp.

Thứ tư, không ngừng phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện QCDC theo hệ thống của từng tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức gần dân, sâu sát cơ sở, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Như vậy, thực hiện dân chủ ở cơ sở là sự nghiệp chung của toàn bộ hệ thống chính trị và của cả cộng đồng xã hội, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không phụ thuộc đơn thuần vào một chủ thể nhất định mà đòi hỏi phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của toàn thể nhân dân, đáp ứng được với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 


[1] Định hướng (1), phần IV, Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung, phát triển năm 2011);

Tác giả: Chẩu Đình Dương - Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1