THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ, CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN Ở HUYỆN BIÊN GIỚI SỐP CỘ, TỈNH SƠN LA TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức, trí tuệ và sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng. Tuyên truyền còn là một bộ phận của công tác tư tưởng, có vị trí hết sức quan trọng. Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan toả đối với dân chúng nên Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền: “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.
Sốp Cộp là huyện biên giới, có 08 đơn vị hành chính cấp xã, 106 bản; có 04 xã, 24 bản biên giới với hơn 124,879 km đường biên giới, tiếp giáp với huyện Mường Ét, Mường Son (tỉnh Hủa Phăn), Phôn Thoong (tỉnh Luông Pha Băng) nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; có 50 mốc quốc giới (11 mốc trung, 39 mốc tiểu); quy mô dân số toàn huyện khoảng 54.181 người với 11.505 hộ (Tháng 6 năm 2023); huyện có 06 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó dân tộc Thái chiếm 55,8%; Mông chiếm 25,8%; Lào chiếm 8%; Khơ Mú chiếm 7,2%; Kinh chiếm 3,1%; dân tộc khác chiếm 0,2%). Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở đảng (trong đó 13 đảng bộ cơ sở và 28 chi bộ cơ sở) với 4.028 đảng viên.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ huyện uỷ chỉ đạo, triển khai, chú trọng công tác tuyên truyền trên địa bàn. Cấp uỷ các cấp từ huyện đến cơ sở đã nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên được xác định là kênh thông tin chính để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời thông báo, định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; các vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội quan tâm; là công cụ hiệu quả, sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyên các ngày kỷ niệm, các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương đến Nhân dân các dân tộc trong huyện.

(Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại bản Mạt và Bản Liềng xã Mường Lèo)
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong thời gian qua, huyện Sốp Cộp đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể như sau:
Nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng và các cấp chính quyền; thực hiện tốt chủ trường, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong các kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri tham gia rất cao (năm 2016 đạt 99,59%, năm 2021 đạt 99,23%).
Trên địa bàn huyện người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, có nhiều mô hình điển hình về phát triển kinh tế: Năm 2018, xây dựng được thương hiệu Nếp tan Mường Và; 02 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Sốp Cộp: năm 2017 và xã Dồm Cang: năm 2019). Tiếp tục thực hiện mô hình trồng cây trên đất dốc (Cam Nà Mòn, Quýt Nậm Lạnh, cà phê, cây mắc ca,…); chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn được quan tâm, phát triển.
Nhân dân các xã, bản biên giới chấp hành tốt quy định bảo vệ đường biên mốc giới; thực hiện tốt Quy chế quan hệ Việt Nam – Lào.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển: duy trì phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi cả 8/8 xã; phổ cập giáo dục tiểu học 8/8 xã đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS năm có 8/8 xã đạt mức độ 2. Huyện đã có 11/21 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT và học nghề tăng hàng năm và đạt 99,2% năm học 2022 – 2023; tốt nghiệp THPT tăng dần qua các năm, năm học 2022 – 2023 đạt 100%.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
(Trung tâm huyện Sốp Cộp ngày nay)
Tuy nhiên là huyện vùng sâu, vùng xa biên giới, cơ sở hạ tầng ở cơ sở còn hạn chế, một số bản vùng cao chưa có điện lưới quốc gia, mạng Internet nên bản tin hoạt động hàng ngày của huyện đăng trên facebook chưa phát huy được hết tác dụng. Trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, nhiều người dân vùng cao chưa hiểu hết được nội dung bài viết, bài nói chuyện của báo cáo viên. Xe thông tin lưu động của huyện mới đến được trung tâm xã và các bản vùng thấp, nên có những thông tin chưa kịp thời đến được với tất cả người dân.
Năng lực, trình độ, phương pháp tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị mới dừng ở hình thức đọc văn bản, chưa có khả năng tổng hợp, chắt lọc thông tin. Việc liên tục cập nhật các kiến thức mới liên quan đến nội dung tuyên truyền chưa được thường xuyên.
Kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Nội dung, hình thức tuyên truyền có lúc chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng; hiệu quả chưa cao; thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng nói trên là do:
(1) Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, còn chung chung trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Một số xã chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên; tổ chức tuyên truyền chưa bám sát vào hướng dẫn, nội dung tuyên truyền của cơ quan chức năng. Việc tiếp cận thông tin của lực lượng tuyên truyền viên còn hạn chế, bất cập.
(2) Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, các ngày lễ, kỷ niệm lớn, chưa được tiến hành thường xuyên; chưa có nhiều cải tiến về hình thức. Các cuộc họp bản chưa lựa chọn đúng nội dung người dân quan tâm để tuyên truyền.
(3) Trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ làm công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa được tập huấn để nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền. Một số người sính dùng chữ, nhất là dùng chữ Hán; nói dài, lúng túng, không chuẩn bị kỹ càng trước khi nói,... Tuyên truyền còn mang tính độc thoại, một chiều, chưa mạnh dạn sử dụng các phương pháp như: đối thoại, trao đổi, thảo luận, cũng như chưa kết hợp và sử dụng hợp lý các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ thiết thực cho công tác tuyên truyền. Khả năng vận dụng tiếng dân tộc của một số cán bộ (tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Khơ mú,...) trong công tác tuyên truyền còn hạn chế.
(4) Trung tâm Truyền thông – văn hóa huyện chưa có bản tin tuyên truyền bằng tiếng dân tộc (Mới chỉ tiếp sóng bản tin tiếng dân tộc của đài tỉnh).
(5) Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền (đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới) chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền đạt hiểu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng và phát triển đội ngũ, lực lượng làm công tác tuyên truyền tại cơ sở. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền có đủ kiến thức về lý luận và vốn sống phong phú. Cử cán bộ tham gia học, bồi dưỡng tiếng dân tộc.
(2) Lựa chọn người làm công tác tuyên truyền phải có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình cách mạng, không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn nhiệm vụ, mà còn phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
(3) Khi chuẩn bị nội dung phải suy nghĩ cho chín, sắp đặt cho cẩn thận. Phải nghiên cứu và nắm vững đối tượng được tuyên truyền; điều tra, phân tích, nghiên cứu, hiểu biết quần chúng; viết, nói ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu. Đồng thời, phải học cách tuyên truyền của quần chúng, đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở và học trong thực tiễn.
(4) Phải có phương thức tuyên truyền phù hợp với từng lớp đối tượng; chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền đối với người đứng đầu tổ chức, thành phần tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư và chú trọng đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Chuyển thể nội dung tuyên truyền thành các hội thi, đưa nội dung tuyên truyền vào tiểu phẩm sân khấu hóa, trả lời câu hỏi trắc nghiệm...
(5) Cử báo cáo viên, tuyên truyền viên ưu tú, thông thạo tiếng dân tộc thiểu số đến tận cơ sở để tuyên truyền. Đảm bảo việc cung cấp và định hướng thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Xây dựng quy chế, chương trình hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phù hợp với thực tiễn.
(6) Chú trọng, tăng cường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng để giáo dục.
(7) Tăng cường vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 huyện; phát huy vai trò của đội ngũ công tác viên dư luận xã hội trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
(8) Quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thông phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Sốp Cộp là huyện khó khăn, các nguy cơ mất ổn định về an ninh, quốc phòng, kinh tế vẫn tiềm ẩn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn. Công tác tuyên truyền vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức xây dựng đảng, ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy công tác tuyên truyền cần phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển./.
Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ huyện Sốp Cộp