VẤN ĐỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN HIỆN NAY

          Lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thê hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng.Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -  Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi việc xây dựng, tăng cường, kiện toàn Nhà nước là một nhiệm vụ cốt tử hàng đầu, làm cho nhà nước ta thực sự là trụ cột của hệ thống chính trị, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng. Sự ra đời của mô hình nhà nước này từ nhận thức lý luận đến thực tiễn đã có những tác động tích cực, ảnh hưởng to lớn tới đời sống con người

          Như vậy, việc xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết và vô cùng quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung cũng như đổi mới hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa nói riêng, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị nước ta giai đoạn 20221 – 2030.

          C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin trong các tác phẩm kinh điển của mình, mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” nhưng đã xác lập về tư tưởng những giá trị cốt lõi, đặc trưng, đó là nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, mang bản chất giai cấp công nhân, vì con người, giải phóng con người, bảo vệ con người; đồng thời, tổ chức, hoạt động theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.

          Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, Đại hội Đảng lần thứ I, đặc biệt, được cụ thể hóa trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945). Tư tưởng này cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân.   Quan điểm về xây dựng và hoàn thiện nhà nước tổ chức và hoạt động theo pháp luật trong các văn kiện Đại hội II, III, IV, V, nhất là Đại hội VI, VII của Đảng được đề cập, phát triển và thể chế hóa trong các bản Hiến pháp các năm: 1959, 1980, 1992, cho dù thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” chưa được sử dụng. Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta đã có bước phát triển mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, theo đó, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (tháng 11-1991), lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính thức được Đảng ta đề cập và được khẳng định rõ hơn tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), đồng thời, tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Đây là cơ sở chính trị để Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), thể chế hóa tại Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

          Tiếp đó, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) với quan điểm kế thừa, phát triển, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

          Từ cơ sở chính trị, pháp lý và nghiên cứu thực tiễn xây dựng, vận hành cho thấy: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.

          Trên phương diện thực tiễn, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bảo đảm yêu cầu quản lý, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, quyền làm chủ của nhân dân được củng cố, phát huy, bảo đảm và lan tỏa tinh thần tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Hoạt động cơ quan hành pháp chủ động, tích cực, tập trung vào quản lý, điều hành, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, tư pháp có bước đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Những kết quả này được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(7).

          Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”(8). Trong đó, hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, thiếu tính thực tiễn, còn có kẽ hở, chồng chéo. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân còn có những mặt hạn chế. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Đội ngũ cán bộ, viên chức chưa tinh gọn; phẩm chất, năng lực, uy tín ở một bộ phận còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt còn lúng túng.

          Những ưu điểm và hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan vẫn là cơ bản: Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới, khó, nhiều vấn đề vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước còn chưa chủ động, sát sao, thiếu quyết liệt. Vấn đề nhận thức và cụ thể hoá chủ trương, quan điểm của Đảng còn bất cập; công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chưa thường xuyên, kịp thời; công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam còn hạn chế; nguồn lực, điều kiện để thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với nhiệm vụ đề ra; tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

          Đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng,.quán triệt, cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

          Một là: Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, là nhiệm vụ quan trọng của đổi mới hệ thống chính trị

          Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

          Đẩy mạnh dân chủ hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành luật về dân chủ cơ sở, thể chế hoá thành luật phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra dân giám sát và dân thụ hưởng.”

          Hai là: Đổi mới tư duy về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

          Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong các giai đoạn của quy trình lập pháp, quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của luật, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm căn cứ để xây dựng luật.

          Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật; cải cách trình tự, thủ tục tổ chức thi hành pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường cơ chế, giám sát, kiểm tra, thanh tra, của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và người dân đối với công tác thi hành pháp luật. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thi hành pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm. Quy định cụ thể các tiêu chí định giá hiệu quả thi hành pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, quy định rõ, minh bạch trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức trong tổ chức thi hành pháp luật.

          Ba là: Về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

          Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này trên cơ sở tổng kết thực tiễn, sớm ban hành văn bản của Bộ Chính trị về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong tình hình mới.

          Quán triệt và thực hiện nhất quán bản chất của nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, xây dựng và hoàn thiện cơ chế đảm bảo Nhân dân thật sự làm chủ nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong mối quan hệ với công dân cơ bản được xác định thông qua việc thể chế hóa nguyên tắc: “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì “luật cho phép” và công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.” Nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm.

          Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

          Trên nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất” Làm rõ vị trí, vai trò, thẩm quyền của các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong mô hình tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước; cơ chế quan hệ giữa các cơ quan này trong phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.

          Năm là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại vì dân; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tinh gọn, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu mới

          Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền công vụ quốc gia chuyên nghiệp, hiện đại, vì dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong điều kiện mới.

          Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm với nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.

          Sáu là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội và nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

          Nâng cao nhận thức xã hội về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, tiếp tục làm rõ cơ chế thực hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong điều kiện mới.Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

          Như vậy, có thể khẳng định, việc chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”./.

Tác giả: Hà Thị Huyền Trang
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1